Thế nào là một người mẹ tốt?

Hơn nửa năm chưa viết gì vì bận rộn với công việc mới: làm mẹ. Thỉnh thoảng có chút suy ngẫm về công việc rất mới mẻ này.

Thế nào là một người mẹ tốt? Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ? Nuôi con béo tốt :))? Nấu đồ ăn ngon cho con? Đáp ứng mọi nhu cầu của con? Cho con đầy đủ điều kiện vật chất? Câu hỏi này không có câu trả lời chung, mỗi người có một định nghĩa riêng. Mình may mắn vì không bị nghe nhiều lời gièm pha xung quanh, được nuôi con theo cách của mình. Tất nhiên, đôi khi cũng bị nghe vì con người có xu hướng phán xét người khác dựa theo tiêu chuẩn của mình, mà tiêu chuẩn của họ lại không phải cái mình muốn làm. Để vững vàng trước những lời phán xét như thế, bản thân phải có chính kiến riêng để không bị lung lay, chạnh lòng.

Với mình, điều tốt nhất để cho con là một người mẹ hạnh phúc. Không thể làm người khác hạnh phúc khi bản thân mình không hạnh phúc, bài học này mình học được sau khoảng thời gian dài stress. Sợ nhất là khi mình căng thẳng, mình không đủ bình tĩnh để lắng nghe con, chia sẻ với con những nỗi niềm bên trong hoặc ít nhất là cho con một nụ cười ấm áp để trấn an con. Con mới 6 tháng thôi nhưng mình đã cảm nhận được mỗi lần mình cười với con, con cảm nhận được tình cảm ấm áp và cười lại với mình. Nếu bản thân mình hạnh phúc thì mình có thể cho con:

Sự kiên nhẫn. Khi mới sinh ra con chưa nói được, chỉ dùng tiếng khóc để thể hiện nhu cầu. Nhiều lúc mệt mỏi không hiểu con muốn gì, mình đều thở sâu, nhắc lại bản thân phải thật kiên nhẫn lắng nghe con. Sau đó suy nghĩ xem tại sao con khóc để xoa dịu con. Sau này, trong hành trình dài con lớn lên, có những lúc con không biết cách kiềm chế cảm xúc, không biết cách xử lý tình huống, nếu không thể kiên nhẫn lắng nghe con thì sẽ vô tình cáu gắt, ép buộc con vô lý, đẩy con ra xa bố mẹ. Thế nên, ngay từ khi con mới sinh ra mình đã luyện tập bản thân sự kiên nhẫn khi ở bên con.

Sự bao dung. Khi con sinh ra, mẹ mới trở thành mẹ. Con được 6 tháng thì mẹ mới được làm mẹ 6 tháng. Mỗi em bé là duy nhất, nên chẳng ai có kinh nghiệm làm mẹ trước khi sinh con. Thế nên, mẹ có thể mắc sai lầm. Lúc chưa sinh con mình mong không mắc sai lầm, tội cho con. Sinh con rồi mới thấy làm bố mẹ có quyền được mắc sai lầm. Thay vì thất vọng về bản thân, mỗi lần phát hiện sai lầm khi làm mẹ mình lại xin lỗi con. Tất nhiên tới thời điểm hiện tại thì bạn ấy đều tha thứ cho mình, vẫn âu yếm cười tươi với mình. Sau này, khi con mắc sai lầm, khi con làm sai, mình cũng sẽ bao dung với con để con luôn cảm thấy vòng tay mẹ là nơi an toàn nhất, để con yên tâm khi trở về mỗi khi mệt mỏi.

Sự sáng suốt. Tuy là bản thân cho phép mình được mắc sai lầm khi làm mẹ, mình cố gắng để sai lầm đó không phải là do sự thiếu hiểu biết. Nếu là do thiếu kinh nghiệm thì từ bài học đó lần sau tránh không lặp lại. Nhưng vẫn phải tìm hiểu kiến thức khoa học, không chỉ kiến thức chăm con mà còn cả tâm lý trẻ thơ để con không phải thiệt thòi, để không bao giờ phải nói: giá mà mình đọc về điều này trước thì đã không đối xử với con như thế.

Cuối cùng, trong xã hội hiện đại ngày nay, một điều quan trọng mình muốn dành cho con là thời gian. Là khoảng thời gian mỗi ngày, dù chỉ 30 phút thôi, quên hết công việc, lo toan bên ngoài, dành cả trái tim, đôi mắt, đôi tai hướng vào con, nói chuyện với con, chơi cùng con. Điều này mình vẫn cố duy trì cho con từ lúc con ra đời đến bây giờ.

Đây là suy ngẫm tại thời điểm hiện tại. Sau này, cùng với sự trưởng thành của con, cùng với sự đổi thay của môi trường sống, mình có thể thay đổi. Quan trọng là mình duy trì bàn luận với chồng, và lắng nghe con để con sẽ là một em bé hạnh phúc.

PhD

Chính thức nhận bằng PhD, xong một chặng đường 5 năm, mong mãi đến ngày này để thoát =)) Không biết người khác thế nào chứ mình không thấy tự hào gì mấy, chỉ thấy nhẹ người. PhD với mình không thấy to tát như cái tên “tiến sỹ” rất kêu ở VN. Thực ra tấm bằng tiến sỹ chỉ thể hiện được người đó đã đào sâu vào một lĩnh vực và đạt được một thành quả nhất định, tạo ra một điều mới (nhỏ xíu xiu) trong lĩnh vực đó. Thế nên trong lĩnh vực đó, tấm bằng tiến sỹ có một chút ý nghĩa, còn ngoài ra thì cũng không ghê gớm (không có nhiều ý nghĩa) lắm.

Đấy là nói về mặt kiến thức. Còn về mặt kỹ năng, mình lại thấy mình đạt được rất nhiều sau 5 năm PhD, và đó mới là thành quả làm mình rất vui.

1. Open mind
Tiếng Việt có lẽ dịch là tư duy mở, nhưng mình thích dùng từ gốc tiếng Anh. Tìm thấy có 2 định nghĩa của từ này đều thấy đúng với mình.

Theo từ điển Merriam-Webster: a willingness to listen to or accept different ideas or opinions

Theo từ điển Cambridge: to wait until you know all the facts before forming an opinion or making a judgment

Nhờ môi trường quốc tế ở viện, mình được gặp rất nhiều bạn từ khắp nơi trên thế giới, đủ các châu lục, màu da, tôn giáo. Mỗi lần nói chuyện với người mới, mình lại biết thêm về đất nước, con người nơi khác. Lúc đầu, mình rất hay có phản ứng: tại sao lại nghĩ như thế, phải như thế này mới đúng chứ. Nhưng lâu dần, suy nghĩ của mình mềm mỏng hơn, chấp nhận sự khác biệt nhiều hơn. Mình bắt đầu nghĩ lại những điều mình trước nay cho là đúng, tự hỏi nếu không làm thế mà làm theo cách khác thì có được không. Lúc đấy mới thấm, không có gì là đúng tuyệt đối cả, chỉ có tương đối thôi. Bây giờ, mỗi khi nghe một điều gì đó kỳ lạ hay cảm thấy không đúng đắn từ ai đó, mình bình tĩnh hơn, không vội vàng phán xét mà suy nghĩ thử xem ý kiến đó hợp lý trong hoàn cảnh nào. Thấy tính tình của mình điềm tĩnh hơn, suy nghĩ phong phú hơn, đặc biệt là dần dần bỏ thói quen phán xét người khác hay áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Tự nhiên thấy cuộc sống tươi đẹp hơn.

2. Trân trọng sức khoẻ
Mình đã gặp nhiều người nói PhD là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Với mình, đến thời điểm này, cũng thấy thế. PhD đúng là như một thử thách của cuộc đời, khác hẳn với master vì nhiệm vụ là phải tìm tòi ra 1 điều mới mà chưa ai từng làm, chứ ko phải chỉ có học rồi thực hành. Để đến được với thành công nhỏ bé đó, phải thất bại rất rất nhiều lần. Đó là bài học rất quý giá.

Mấu chốt của vấn đề là sau mỗi lần thất bại làm thế nào để đứng dậy và bước tiếp. Giai đoạn này, ngoài sức khoẻ thể lực, sức khoẻ tinh thần cũng rất quan trọng. Mình chỉ nhận ra điều này sau khi trải qua rất nhiều khủng hoảng tinh thần trong suốt 5 năm PhD. Sau này, cuộc sống chắc chắn sẽ thử thách mình nhiều hơn, hoặc ít ra là mình sẽ không chịu ngồi yên mà lao đầu vào nhiều thử thách hơn, lúc đấy chắc chắn kinh nghiệm này sẽ giúp đỡ mình rất nhiều.

3. Tìm vấn đề và giải quyết vấn đề trong cuộc sống
Trong bài phát biểu chúc mừng các tân tiến sỹ, cô viện phó đã nói: “Sau này trong cuộc sống, chắc chắn các em sẽ phải đứng trước rất nhiều lựa chọn. Theo tôi, rất hiếm hay có thể nói là không có phương án nào là hoàn hảo cả. Nhưng với các tiến sỹ như các em sẽ biết tìm phương án tối ưu để giải quyết một vấn đề. Hi vọng những kỹ năng mà các em có được trong giai đoạn PhD sẽ giúp các em đưa ra được lựa chọn sáng suốt.”

Mình rất tâm đắc với lời dặn dò này, vì mình cũng thấy thế. Lúc bước vào PhD, lựa chọn đi học hay làm tiếp làm mình đau đầu trong thời gian dài, cuối cùng đưa ra lựa chọn học PhD nhưng thực ra là một quyết định mang tính cảm tính và hơi bốc đồng. Đến cuối giai đoạn PhD, mình bắt đầu biết bình tĩnh phân tích các tình huống trong cuộc sống, tìm ra vấn đề ở đâu. Sau đó phân tích và tìm ra phương án tối ưu để giải quyết. Khi tìm cách giải quyết vấn đề, mình biết chọn lọc nguồn tài liệu, kiến thức chuẩn, biết đánh giá, loại những thông tin nhiễu để đưa ra cách giải quyết đúng đắn. Nhìn lại trước và sau PhD, đây là một trong những sự khác biệt lớn nhất của bản thân mà mình thấy rất vui vì có được kỹ năng này.

4. Knowledge is power
Đúng ra, kiến thức thu nhận được trong PhD của mình rất nhỏ bé so với biển kiến thức bên ngoài. Nhưng PhD giúp nâng cao kỹ năng để đào sâu kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ riêng lĩnh vực mình nghiên cứu. VD khi mình gặp vấn đề về tinh thần, mình biết tìm tài liệu để tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong đó rồi tìm cách áp dụng sao cho hợp lý với hoàn cảnh của mình. Như câu thành ngữ nổi tiếng “Knowledge is power”, có kiến thức thì có thể tự chủ trong cuộc sống của mình, không để ý kiến của người khác chi phối.

Nói thật là trước khi vào PhD, mình vẫn chỉ nghĩ học là để có tương lai công việc tốt, cuộc sống tốt hơn. Nhưng bây giờ mình mới nhận ra, học là để có kiến thức cho bản thân. Kiến thức đó không phải chỉ để có công việc kiếm tiền, mà để mình tự chủ trong cuộc sống. Học để biết cần phải học cái gì, học như thế nào, học ở đâu, học xong áp dụng như nào. Học để TỰ DO, như trong bài viết của giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Đúng như nhiều người nói, PhD như tấm bằng lái. Cầm bằng lái xong thì phải ra đường lái xe cho thành thạo. Hi vọng với những kỹ năng PhD, mình sẽ đào sâu được kiến thức trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

5. Ngoại ngữ
Một điều nhỏ thu hoạch được sau PhD. Nhờ môi trường quốc tế ở viện, bây giờ mình có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh và tiếng Nhật. Ngôn ngữ là công cụ để diễn đạt suy nghĩ nên rất quan trọng. Giao tiếp thuần thục giúp mình tự tin giao lưu hơn với nhiều người. Đồng thời, ngoại ngữ mở cánh cửa để mình tiếp cận nhiều tài liệu hơn, xem xét 1 vấn đề với nhiều góc nhìn hơn. VD khi chuẩn bị kiến thức để chào đón em bé sắp chào đời, mình đọc rất nhiều tài liệu cả Anh, Nhật, Việt. Từ đó chọn lọc những kiến thức đúng đắn, phù hợp để áp dụng cho nhà mình, cũng có thể so sánh cách chăm con ở các môi trường khác nhau, làm việc tìm hiểu thú vị hơn.

Đi qua một chặng đường khó khăn thử thách, bây giờ có thể mỉm cười nhẹ nhõm rồi. Đúng là có qua thử thách mới thấy mạnh mẽ hơn. Cảm ơn PhD đã đánh cho mình bầm dập, rồi từ đó tôi luyện mình sắt đá hơn 🙂

2018

Ngày cuối cùng của 2018, sau khi cả ngày đi ăn tất niên, tối về nằm lười xem chồng chơi game, thấy cần làm gì đó có ý nghĩa để kết thúc 1 năm nên ngồi viết tổng kết. 2018 là một năm nhiều thăng trầm với mình. Nhưng ít ra cũng hơn 2017 toàn trầm chứ chả thấy thăng :))

Có 3 điều mình thấy rất vui vì đã đạt được trong 2018.

1. Sống khỏe mạnh hơn
Sau thời gian dài stress năm 2017, mình bị mất ngủ và béo lên không kiểm soát. Cuối năm 2017 mình bắt đầu chú ý đến dinh dưỡng, cách ăn uống để giảm cân và khỏe hơn nên mua 1 cuốn sách về dinh dưỡng để đọc. Có vô vàn sách về chủ đề đó ở Nhật, thế mới biết họ quan tâm thế nào. Mình chọn một cuốn best seller, viết vô cùng chi tiết, thông tin rõ ràng, dễ hiểu. Đầu 2018 bắt đầu thực hiện, đến giờ cảm thấy rất ổn, có thể kiểm soát được cân nặng bản thân. Ở Nhật bao nhiêu năm, đến 2018 mới thực sự hiểu hơn tại sao người Nhật làm việc hùng hục mà vẫn sống lâu. Họ thực sự rất quan tâm đến dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, làm sao để chỉ cần ăn ít mà vẫn cân bằng dưỡng chất và đảm bảo sức khỏe.

Ngoài chuyện ăn, mình cũng đọc một cuốn về giấc ngủ của 1 giáo sư ở Stanford. Cuốn sách cung cấp rất nhiều kiến thức khoa học về giấc ngủ, làm thế nào để dễ ngủ và tăng chất lượng giấc ngủ hàng ngày. Không chỉ cải thiện được việc ăn và ngủ, mình còn hình thành được thói quen tìm hiểu, chắt lọc thông tin về các vấn đề trong cuộc sống để làm mọi việc một cách khoa học hơn. Trước đây cứ nghĩ một vấn đề đơn giản thì chỉ cần lên mạng search Google là tìm được cách giải quyết, giờ mình thích tìm sách để đọc hơn, từ một chuyện đơn giản có thể dẫn đến kiến thức của nhiều vấn đề lớn khác một cách bất ngờ và thú vị.

2. Học cách thay đổi các thói quen xấu
Hình thành một thói quen xấu ko khó. Bỏ một thói quen xấu mới là rất khó. Nhờ đọc quyển “Lối sống tối giản của người Nhật” mình đã dần dần bỏ được thói quen mua đồ tuỳ hứng, phần nào kiểm soát được việc chi tiêu. Tuy nhiên việc từ bỏ mua sắm tuỳ tiện không quá khó vì đó không phải là việc mình làm hàng ngày. Bỏ thói quen ăn uống không tốt và thói quen lãng phí thời gian mới thực sự là thử thách.

2018 mình bắt đầu việc từ bỏ ăn đồ ngọt và giảm tinh bột để cân bằng dinh dưỡng. Việc này tưởng dễ mà ko dễ. Sau 1 tuần đầu tiên mình thèm đồ ngọt kinh khủng rồi ăn ngấu nghiến. Sau đó mình mới nhận ra muốn từ bỏ một thói quen, không được bỏ đột ngột. Mình không tự ép bản thân bỏ đồ ngọt nữa mà cho phép ăn, chẳng hạn tuần 1 lần. Dần dần là 1 tháng 1 lần, mỗi lần ăn lại nghĩ đến những tác hại mà nó mang lại cho cơ thể. Cuối cùng chẳng còn muốn ăn đồ ngọt nữa. Sau 6 tháng, mỗi lần ăn nhiều đồ ngọt chút là cảm thấy cơ thể bị quá tải, có nghĩa là cơ thể mình tự phản ứng chống lại việc ăn đồ ngọt, chẳng cần mất công bắt ép bản thân làm gì.

Nhờ kinh nghiệm bỏ đồ ngọt, mình áp dụng luôn để từ bỏ một thói quen xấu muốn bỏ lâu rồi mà ko được: Facebook. Trước đây đã nhiều lần đóng cửa FB để “cai”, nhưng cũng giống như việc bỏ đồ ngọt đột ngột, cách đó chỉ làm cho việc “nghiện” điên cuồng hơn. Mình còn thử mở một FB mới chỉ có vài người bạn thân nhưng cũng ko hiệu quả vì FB với hàng trăm bạn rõ ràng là nhộn nhịp hơn FB chỉ vài người. Cuối cùng áp dụng phương pháp bỏ dần dần thì lại thấy hiệu quả.

Mình nhận ra FB hấp dẫn vì user bị động xem được thông tin mà mọi người post lên, bị động nghĩa là chả phải làm gì mà vẫn xem được. Có điều nó cũng là chỗ để mọi người “khoe khoang”, giống như mỗi người có 1 kênh TV riêng và bắt mọi friends phải xem. Mình tự nhủ có thực sự phải xem mấy kênh TV đó hàng ngày không, nếu ko xem thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không. Mình bắt đầu unfollow một số bạn mà mới chỉ gặp 1 lần ngoài đời hoặc thậm chí chưa từng gặp bao giờ, vẫn vào FB hàng ngày bình thường. Sau một thời gian mình thấy cuộc sống chẳng có gì thay đổi, hoá ra xem mấy kênh TV kia chỉ là để giải trí thôi. Lấy cuộc sống riêng tư của người khác để giải trí với mình cũng ko phải là điều hay ho gì, nên tự thấy việc unfollow là đúng đắn. Dần dần mình unfollow các bạn khác nữa, những người mà thực sự lâu lắm không gặp và dù có gặp có khi cũng chẳng nói được mấy câu. Bây giờ mình unfollow gần hết các friends, chỉ còn lại vài người bạn thân. FB của mình trống dần dần, mỗi lần vào cũng chẳng có gì đặc biệt nên mình tự động giảm dần thời gian vào FB, cuối cùng chẳng vào FB lúc nào không hay.

Việc không vào FB thực sự làm cuộc sống của mình đơn giản hơn. Đã qua thời ai ai cũng muốn có dữ liệu càng nhiều càng tốt, bây giờ là thời với lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hàng ngày, làm thế nào để xử lý nó, chắt lọc để lấy thông tin hữu ích. Nguồn thông tin từ FB phần lớn không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, nên việc giảm thời gian vào FB đã giảm tải được hoạt động phân tích thông tin không cần thiết của não, thấy đầu óc nhẹ nhàng hơn. Gần đây, khi cảm thấy có thể kiểm soát được thời gian vào FB, mình bắt đầu thi thoảng vào để follow một số trang thực sự cung cấp thông tin bổ ích, đồng thời chia sẻ một chút thông tin của mình. FB thực sự vẫn có một số điểm tốt nên thay vì bỏ hoàn toàn, mình chọn sử dụng một cách kiểm soát, có chọn lọc sẽ tốt hơn.

3. Học cách chấp nhận
Mình trước nay là đứa hiếu thắng. Nếu muốn gì thì sẽ cố gắng để thực hiện bằng được. Thực ra trong nhiều hoàn cảnh điều đó không phải là xấu, vì mình luôn cố gắng để vươn lên trong cuộc sống. Có điều trong 2018, mình nhận ra có những việc dù có cố gắng cũng không dễ để làm được, đơn giản vì nó nằm ngoài khả năng của bản thân, cũng chẳng nằm trong tầm kiểm soát của người khác nên chẳng thể nhờ ai giúp đỡ được. Lúc đầu mình không chấp nhận sự thật đó nên stress vô cùng. Đọc cuốn “Dám bị ghét” ngộ ra rằng hạnh phúc tuỳ thuộc vào cách suy nghĩ, cách nhìn nhận sự việc của bản thân. Nhưng vẫn loay hoay không biết nên thay đổi cách suy nghĩ như thế nào để cuộc sống dễ chịu hơn.

Mẹ là người luôn động viên mình cố gắng từ hồi còn bé, có lẽ nhờ thế mà mình mới thành người luôn cố gắng như bây giờ. Nhưng khi thấy mình buồn quá, mẹ lại khuyên “Cuộc sống đôi khi phải biết chấp nhận, có những điều mình không thể kiểm soát, cứ thoải mái nếu có duyên sẽ được”. Lúc đó mình mới ngộ ra chính sự cứng đầu làm bản thân stress. Tập thói quen phân biệt việc nào trong tầm kiểm soát, việc nào không để học cách chấp nhận, cuộc sống tự nhiên dễ thở và đáng yêu hơn nhiều.

2018 khởi đầu chẳng tốt đẹp gì. Nhưng mình vẫn kiên trì cố gắng, đến giữa năm bắt đầu có một số biến chuyển tích cực, rồi cuối năm có chút trái ngọt. Thực ra nếu nhìn bên ngoài thì mình chỉ đạt được vài thành quả, nhưng bên trong mình đã tạo được nhiều thay đổi cho bản thân. Những thay đổi này có lẽ chỉ có bản thân và chồng mình nhận ra thôi. Một năm thực sự là đóng cửa để tu thân : ))

Tuy 2018 đã đạt được nhiều trong công cuộc cải thiện bản thân, mình cảm thấy các mối quan hệ xã hội của mình không được phát triển lắm do phần lớn thời gian dành để đọc và suy ngẫm. 2019 mình muốn đưa bản thân ra ngoài xã hội hơn nữa, để cuộc sống phong phú hơn. Các mối quan hệ xã hội luôn phức tạp và không dễ dàng, nhưng hi vọng với những thay đổi đã đạt được trong 2018, mình sẽ khéo léo và kiểm soát tốt hơn các mối quan hệ của bản thân. 2019 mình có một dự án cá nhân rất lớn, đó chính là mục tiêu chính và quan trọng nhất của năm. Ngoài ra, kỳ vọng bản thân sẽ ra ngoài xã hội hơn và học thêm 1 mảng mới về mặt chuyên môn.

PS: Sau mấy năm tích cực đặt mục tiêu đọc sách, cuối cùng 2018 mình cũng đã có thể áp dụng những gì mình đọc được để tạo ra thay đổi tích cực trong cuộc sống. Điều này làm mình vui hơn cả thành tích số lượng sách đọc được trong 1 năm. 2019 ko đặt mục tiêu đọc sách nữa, vì điều đó đã trở thành 1 thói quen khó bỏ rồi :))

Thay đổi cách nhìn chứ không thay đổi người khác

Gần đây bị nhiều áp lực vì ý kiến người nọ người kia. Ý muốn của mình đã cố định, tuy nhiên vẫn có người ko ủng hộ, ko chịu hiểu và ko muốn hiểu ý muốn của mình. Thành ra mình lại suy nghĩ nhiều, có lúc cảm thấy bế tắc không biết phải làm thế nào.

Hôm nay nói chuyện với chị gái mới nghĩ ra rằng mình cứ cố gắng muốn người khác thay đổi nhưng việc đấy rất khó hoặc có thể nói là không thể. Thế nên mới thấy bế tắc, stress.

Hôm trước đọc quyển “Mình là cá, việc của mình là bơi”, ngỡ ra được nhiều điều. Một trong những điều đó là “Thay đổi cách nhìn chứ ko thay đổi người khác”. Việc thay đổi người khác là việc ngoài tầm tay của bản thân, đặt kỳ vọng vào đó thì chỉ có thất vọng thôi. Mà nguyên tắc của bản thân mình thì ko thể vì người khác mà dễ dàng thay đổi được. Vậy thì chỉ có thay đổi cách nhìn của mình về sự việc thôi. Coi việc người khác ko hiểu ý muốn của mình là việc bình thường, tôn trọng người ta, ko phản đối cũng ko giải thích. Còn việc của mình thì mình cứ làm, miễn là không ảnh hưởng đến người khác là được. Như thế sẽ nhẹ nhàng hơn.

Postdoc or industry?

Hôm nay thấy trên VietPhD.org thấy có câu hỏi làm postdoc hay industry, thấy có 1 comment hay quá nên lưu lại đây:
=================================================
Mình xin phép bổ sung và tổng kết các lý do:
1. Không kiếm được việc ở indus vì các hạn chế về: ngôn ngữ, năm kinh nghiệm không có hoặc không đủ, kỹ năng/kỹ thuật kiểu công nghiệp không đáp ứng yêu cầu tuyển, không tìm được việc cùng hoặc chủ đề liên quan,…
2. Thích có nhiều thời gian hoặc thời gian làm việc linh hoạt, nhiều nghỉ lễ nếu làm postdoc
3. Thích làm postdoc vì thích làm, thích làm nghiên cứu, giảng dạy và có ý định trở thành prof hoặc researcher.
4. Thích đóng góp giá trị bản thân bằng các công trình khoa học,thích trao đổi mặt tư tưởng,nguyên lý, triết lý học thuật

5. Ngại và khó khăn với các thủ tục chuyển đổi giấy tờ

6. Sợ bị sai việc, làm công việc với trình độ thấp hơn

7. Một bước kiểm chứng về sự có thích làm nghiên cứu giảng dạy hay không, chuẩn bị thêm các kỹ năng trước khi ra indus

8. Thích đi du lịch

Còn thực tế thì mình thấy đa phần bạn mình chọn ra cty hơn:
1. Không áp lực báo
2. Không thích chém gió, thích làm sản phẩm
3. Lương cao, ko lo hết dự án hay giảm quỹ nghiên cứu, không luỵ prof và lệ thuộc prof.
4. Dễ ổn định sớm và định cư nhanh hơn
5. Không thích học thuật vì sau 1 thời gian làm có những thất vọng về góc tối, gian lận, mặt trái học thuật
6. Trong quá trình làm phd, nợ nần, không có động lực với chủ đề vì thầy,vì đồng nghiệp, vì… thì thích đi làm
7. Thích nhìn góc độ khác trong nghiên cứu công nghiệp, muốn hiện thực ý tưởng thành sản phẩm giá trị cho người dùng, được đánh giá bởi giá trị thị trường.
…..

Lý do lựa chọn ở post hay cty thì vô vàn,tuỳ mỗi người. Nên bạn cứ thoải mái thôi…
=================================================

Rejection

Lâu lắm mới có 1 ngày thức dậy mà thấy hứng khởi. Nhưng chiều lại nhận được 1 email rejection. Tâm trạng xuống dốc không phanh. Cũng chẳng muốn tiếp tục làm gì, chỉ muốn trốn vào 1 góc ko muốn gặp ai, nhưng lại sợ ở 1 mình. Thay vì ngồi gặm nhấm cảm giác kinh khủng đấy thì mình tìm 1 việc để đầu óc bận rộn vậy. Search Google tìm được 1 bài tiếng Anh, rảnh nên ngồi dịch.
https://www.inc.com/amy-morin/5-ways-mentally-strong-people-deal-with-rejection.html
5 cách những người mạnh mẽ đối mặt với sự từ chối

Bạn có để ý rằng có việc bị từ chối làm một số người ngừng cố gắng thêm một lần nữa, trong khi một số người khác đứng dậy từ sự từ chối đó mạnh mẽ hơn bao giờ hết? Ai cũng từng trải qua việc bị từ chối, nhưng những người mạnh mẽ dùng nỗi đau này để mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn.

Cho dù bạn bị đẩy ra ngoài các mối quan hệ xã hội hay bạn bị mất cơ hội thăng tiến, điều đó đều rất đau đớn. Tuy nhiên, cách bạn chọn để trả lời cho việc bị từ chối lại có thể quyết định toàn bộ con đường tương lai bạn. Đây là 5 cách một người mạnh mẽ vượt qua việc bị từ chối:

1. Họ thừa nhận cảm xúc của bản thân
Thay vì lờ đi, chối bỏ hay cố gắng ngừng nỗi đâu, người mạnh mẽ thừ nhận cảm xúc của bản thân. Họ thừa nhận họ xấu hổ, buồn, thất vọng, hoặc thoái chí. Họ tự tin vào khả năng xử ký các cảm xúc khó chịu một cách trực diện, điều rất cần thiết để đối mặt với sự khó chịu một cách lành mạnh.
Cố gắng giảm thiểu nỗi đau bằng cách thuyết phục bản thân hoặc người khác đó không phải là vấn đề lớn sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi đau. Cách tốt nhất để xử lý cảm giác khó chịu đó là đối mặt với nó một cách trực diện.

2. Họ coi việc bị từ chối như bằng chứng cho việc mở rộng các giới hạn
Người mạnh mẽ biết rằng việc bị từ chối cho thấy bằng chứng rằng họ đang sống hết mình. Họ biết đôi khi sẽ bị từ chối, và họ không sợ nó, ngay cả khi họ ngờ rằng nỗi đau sẽ kéo dài.

Nếu bạn không bao giờ bị từ chối, bạn có thể đang sống rất sâu trong vùng an toàn của bạn. Bạn không thể chắc chắn rằng bạn đang đi gần đến giới hạn của bạn cho đến khi bạn đôi khi bị từ chối. Khi bạn bị từ chối một dự án, một công việc hay một người bạn, bạn sẽ biết rằng bạn đang đặt bản thân ra ngoài vùng an toàn.

3. Họ có lòng trắc ẩn với bản thân
Thay vì nghĩ rằng “Mày quá ngu ngốc khi nghĩ rằng mày có thể làm được việc đó”, người mạnh mẽ sẽ tự biết thương bản thân mình. Họ trả lời những suy nghĩ tiêu cực bằng thông điệp quả quyết và ân cần. Cho dù là bạn bị đá trong một mối tình lâu năm hay bị sa thải sau lưng, tự đánh bạn thân chỉ làm bạn thất vọng hơn. Nói chuyện với bản thân như một người bạn đáng tin cậy.

4. Họ từ chối để việc bị từ chối định nghĩa bản thân họ
Người mạnh mẽ không đánh đồng tất cả mọi chuyện khi bị từ chối. Nếu một công ty từ chối họ, họ không coi bản thân mình không có khả năng. Nếu họ bị từ chối trong tình yêu, họ không kết luận rằng họ không thể yêu được. Họ nhìn việc bị từ chối theo một cách nhìn đúng đắn.

Ý kiến của một cá nhân hay một tai nạn không bao giờ định nghĩa được bạn là ai. Đừng để giá trị của bản thân bạn phụ thuộc vào ý kiến của người khác về bạn. Chỉ vì một vài người nghĩ một số điều về bạn không có nghĩa là những điều đó là sự thật.

5. Họ học từ việc bị từ chối
Người mạnh mẽ tựu hỏi bản thân: Mình đạt được gì từ điều này?, và họ học được từ việc bị từ chối. Thay vì chịu đựng nỗi đau, họ biến nó thành cơ hội để tự phát triển. Với mỗi lần bị từ chối, họ mạnh mẽ hơn và tốt hơn.
Cho dù là bạn học được những chỗ bạn cần cải thiện, hay bạn chỉ đơn giản nhận ra rằng bị từ chối không tồi tệ như bạn tưởng tượng, bị từ chối có thể là một giáo viên tốt. Dùng việc bị từ chối như một cơ hội để phát triển một cách thông thái hơn.

=====================================
Phù, viết xong cũng thấy khá hơn chút. Cũng nhận ra là giữa đọc hiểu và dịch là một khoảng cách =)) Mình đúng là quá tệ trong việc dịch :))

Ngoan

Hôm nay đọc được một bài viết hay về một vấn đề mà mình khá tâm đắc: có những truyền thống cần phải thay đổi, nhất là việc con cái phải nghe lời cha mẹ.

******************************************************************************
“NGOAN” ~ CÁC BẠN TRẺ TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC HƯ~
Từ khi tôi bất đầu học tiếng Việt cho đến này, tôi có một số từ ngữ mà rất khó có thể dành sự thông cảm của mình vói chúng.
Trong đó, “Ngoan” là một từ ngữ có thể được đoạt giải nhất hoặc giải nhỉ.
Mỗi khi tôi nghe từ “Ngoan”, tôi đã thấy có điều gì đó không phải. Tôi đã hiểu từ ngữ này được sử dụng để khen ngợi tuổi trẻ, trẻ em. Khen “Ngoan”đối với những tuổi trẻ biết nghe lời, theo chỉ dẫn, dặn dò của người lớn.
Nhưng tôi đã thấy có điều gì đó không phải. Bởi nếu chúng ta cần sự tiến bộ, cải cách, phát minh, đổi mới trong các khía cạnh về xã hội, kinh tế, mưu cầu hạnh phúc, thì chúng ta cần những người sáng tạo ra được sự khác biệt. đó là những người cá tính, có bản lĩnh cao, thăm chí là những người ngang bướng. Và tôi nghê được những người lớn thường nói “Hư” để phê bình hoặc nhắc nhở khi họ làm gì đó không thuận chiều với những gì người lớn dặn dò, chỉ dẫn.
Từ lúc nào đó, tôi đã bất đầu cảm thấy và tin rằng người Việt Nam (Phải nói là không ít người Việt Nam để tránh sự phê bình là chụp mũ) đã ngộ nhận ý nghĩa của “Ngoan” hoặc ngộ nhận về hiệu quả, hây hậu quả khi mình nói “Ngoan” để đánh giá tuổi trẻ.
Và tôi đã khẳng định được rằng “phong trào truyền thống” khen “Ngoan” của người Việt Nam đã và đang tác động không tốt cho việc phát triển khả năng sáng tạo sự khác biệt của tuổi trẻ.
Và gần đây, trong bài viết gần đây, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cũng làm rõ ý nghĩa và bản chất của “Ngoan”. Như vậy tôi đã thấy được những suy nghĩ của mình về “Ngoan” là đã có cơ sở nhất định.
(Dưới đây là trích đoạn bài viết của Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong báo Vietnam.net ngày 17/12/2016)
“ Để đáp ứng nhu cầu của một xã hội ưa ổn định thì nền giáo dục có mục tiêu là đào tạo ra những con người giúp xã hội giữ được ổn định. Xã hội ổn định cần người biết nghe lời, vâng lời.
Biết nghe lời, vâng lời được gọi là “ngoan” – “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Vì vậy giáo dục truyền thống của Việt Nam từ gia đình ra đến xã hội, vào đến nhà trường đều chỉ khuyến khích phẩm chất ngoan, vâng lời. Trong gia đình dạy con cái vâng lời cha mẹ, ra ngoài xã hội khuyến khích người dưới vâng lời người trên.
Như vậy, “ngoan” là phẩm chất mục tiêu của giáo dục Việt Nam truyền thống. Còn năng lực mà giáo dục Việt Nam truyền thống hướng tới là gì? Đó là “giỏi”.
Giỏi được hiểu là thuộc bài. “Thuộc” đây là học thuộc lòng. Ở nhà, cha mẹ hỏi “Con đã học thuộc bài chưa?”. Đến trường, thầy cô hỏi “Có trò nào chưa thuộc bài giơ tay?. Thuộc bài thì khi trả bài phải làm theo đúng mẫu – cái gì cũng có “mẫu”: bài tập mẫu, bài văn mẫu… – sẽ đạt thành tích cao.
Triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống có thể tóm gọn trong 4 chữ là “con ngoan – trò giỏi”. Con ngoan trò giỏi là mục đích phấn đấu của mỗi học sinh, đó là con đường dẫn tới thành công. Thành công ngày xưa là thi đỗ làm quan, bây giờ là thi đỗ lấy bằng. Mục đích chỉ có thế, rất cụ thể và rất thiển cận.”
(Trên đây là bài viết được trích đoạn)
Các bạn trẻ có thể cảm thấy vui và sướng khi được bố mẹ, giáo viên hay những người lớn trong xã hội khen mình “Ngoan qúa” , Nhưng các bạn trẻ nên bình tĩnh nên đọc thông điệp phía sau trong từ “Ngoan”. Các bạn có thể nghĩ đó là một kiểu bẫy xã hội được tạo ra bởi một thế lực nào đó không có tên, họ mong muốn các bạn trẻ trở thành người lớn rất tốt cho thế lực đó để làm cho mọi thứ không thay đổi.
Các bạn hãy trở thành người “Hư”!!
(Bài viết này sẽ có rủi ro cho tác giả. Bởi có thể nhiều người đọc hiểu rằng tác giả là người nước ngoài mà nói xấu Việt Nam khi không ít các bạn đã nói ” Ngoan” để khen ai đó.)
Tham khảo Bài viết của Giáo sư Trần Ngọc Thêm trên báo Vietnam.net theo đường link dưới đây.
http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/can-cu-hieu-hoc-chi-la-huyen-thoai-346775.html
********************************************************************************

Tăng năng suất lao động

Hôm qua mới đọc được 1 blog khá thú vị của về thu nhập và thời gian làm việc.
http://d.hatena.ne.jp/mamoruk/20150509/p1

Ở Nhật cứ đến đầu năm là cơ quan sẽ gửi giấy tổng kết thu nhập của năm trước cho nhân viên. Trong giấy đó có ghi tổng số tiền đã trả, tổng số thuế bị trừ, số thuế được giảm, … Ở Nhật vấn đề thu nhập và vấn đề cá nhân nên thường mọi người giữ kín, ít khi để người khác biết. Có điều tác giả blog này lại public số liệu đó hàng năm, với mục đích để người đọc tham khảo, biết được mức thu nhập của 1 phó giáo sư ở trường đại học ở Tokyo khoảng bao nhiêu. Đây là điều thú vị đầu tiên.

Điều thú vị thứ 2 là tác giả so sánh với thu nhập năm trước, thấy thu nhập có tăng. Đồng thời khi so sánh thời gian làm việc, giá trị này lại giảm. Theo tác giả thì việc giảm thời gian làm việc có nhiều ý nghĩa hơn (làm tác giả vui hơn) so với việc thu nhập tăng. Giảm thời gian làm việc nhưng thu nhập vẫn tăng, mình tự hiểu là năng suất lao động tăng.

Tăng năng suất lao động luôn là điều mình mong muốn, tuy nhiên chưa làm được mấy. Nhân dịp đọc blog này, hào hứng lập mục tiêu mới. Vì mình là sinh viên, học bổng cố định nên chưa thể đặt mục tiêu tăng thu nhập. Vì thế đặt mục tiêu tăng thời gian lao động hiệu quả và giảm thời gian làm việc.

Mình nhận ra có nhiều lúc ngồi trước máy tính mình mất tập trung, làm nhiều việc ko liên quan đến công việc rất lãng phí thời gian. Đồng thời mình cũng muốn giảm thời gian ngồi trước máy tính vì gần đây hay bị mỏi mắt đau đầu. Tuy giảm giờ làm việc nhưng mình muốn tăng thời gian lao động hiệu quả.

Từ năm nay mình purchase Qbserve (https://qotoqot.com/qbserve/) để theo dõi thời gian làm việc hiệu quả trên máy của mình. Một ngày mình ngồi trước máy khoảng 9, 10 tiếng nhưng thực chất thời gian làm việc hiệu quả chỉ là 3-4h. Mục tiêu của mình là mỗi ngày làm việc 9 tiếng, trừ 1 ngày cuối tuần, có nghĩa là 54 tiếng/1 tuần. Trong đó, thời gian làm việc hiệu quả là 6 tiếng/1 ngày, có nghĩa là 36 tiếng/1 tuần. Sẽ theo dõi từ hôm nay.

Tổng kết 2017, mục tiêu cho 2018

Như thường lệ, đến đầu năm mình lại tổng kết năm cũ và đặt mục tiêu cho năm mới.

2017

2017 là năm tồi tệ nhất của mình cho đến thời điểm này. Đã có khoảng thời gian mình bị trầm cảm, đóng cửa không muốn tiếp xúc với ai, đã định gặp bác sỹ tâm lý để điều trị nhưng may mắn chưa phải gặp. Đúng là trên đời này chẳng có giới hạn, chỉ có giới hạn mình tự đặt ra thôi. Năm 2012, khi mới sang Nhật mình đã nghĩ đó là năm tồi tệ nhất của mình, ko có gì có thể tệ hơn. Năm nay mới thấy đó chỉ là những gì mình nghĩ, thực ra cuộc đời còn có thể thử thách mình nhiều hơn thế.

Có điều sau mỗi khoảng thời gian khủng hoảng, thấy bản thân trưởng thành hơn. Mắc sai lầm, vấp ngã rồi đứng dậy. Cuối 2017 nhận được 1 tin tốt lành, thấy nhẹ nhõm hơn, ít ra cũng có mấy ngày cuối năm nhẹ nhàng thanh thản. Ít ra mình đã không bỏ cuộc. Nếu bỏ cuộc, có lẽ mình sẽ sợ rồi chẳng bao giờ dám đi con đường đã từng bị ngã nữa. Nhưng mình đứng dậy, đi tiếp nên nếu có quay trở lại mình sẽ mỉm cười mà đi con đường cũ một cách tốt hơn.

2017 cũng đã dạy cho mình rất nhiều bài học quý báu. 2012 dạy mình phải trân trọng sức khoẻ bản thân, còn 2017 mình nhận ra sức khoẻ tinh thần cũng quan trọng không kém gì thể chất. Trong thời gian đóng cửa không gặp ai, mình học cách sống đơn giản hơn, tập trung xem bản thân thực sự muốn gì, cần gì thay vì quan tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác. Và cũng qua khó khăn, mình thấy càng phải trân trọng những người thân thiết sẵn sàng ở bên, lắng nghe nhưng không phán xét khi mình ở trong trạng thái tồi tệ nhất.

2018

1. J project
2018 mình hi vọng J project sẽ đạt được.

2. Viết
Những năm trước mình hay đặt mục tiêu đọc nhiều hơn. Nhưng chỉ đọc thôi thì không đủ. Mình muốn đọc và suy ngẫm, sau đó viết tóm tắt ý chính và suy nghĩ của bản thân sau khi đọc, như thế thì kiến thức trong sách mới được chuyển thể thành kiến thức của mình. Vì thế mục tiêu năm nay sẽ là viết nhiều hơn.

3. Đi
Đi luôn là mục tiêu không thể thiếu. Năm nay muốn khám phá thêm 1 vùng đất mới trong các options: Úc, Trung Quốc, Nam Mỹ.

4. Internship
Muốn tranh thủ đi thực tập một lần nữa trước khi tốt nghiệp nên phải xúc tiến càng sớm càng tốt

5. Research
Vì journal đã được accepted nên mục tiêu tiếp theo là conference rank A or A*

Mình không hi vọng 2018 sẽ dễ dàng hơn 2017 vì mình biết là khó khăn còn rất nhiều. Mình chỉ hi vọng bản thân đủ mạnh mẽ và có đủ yêu thương của những người xung quanh để vượt qua mọi chuyện.

6. Tăng số giờ làm việc
Đến cuối năm 2018 muốn tăng lên 6 tiếng / 1 ngày.

Changes

Hôm nay đi một buổi hội thảo về job hunting, nghe nhiều bài thuyết trình của các công ty. Ngoài những hot keywords như IoT, deep learning, AI, cloud, còn 1 từ nữa đọng lại trong đầu mình: changes. Hầu hết các công ty đều làm về công nghệ, mà công nghệ thay đổi từng ngày nên theo kịp sự thay đổi đó là điều cực kỳ quan trọng. Đã có lần mình thấy nản vì cứ phải đuổi theo đổi mới của công nghệ, muốn đổi nghề =)) Nhưng giờ nghĩ lại, thay vì sợ sự thay đổi đó thì mình tìm cách nắm bắt và tạo ra sự thay đổi mới, hoà vào dòng chuyển biến đó có phải là tốt hơn không 😀 Đây cũng là lời khuyên của 1 presenter làm ở Amazon Japan trong buổi hội thảo mình tham gia: đừng sợ sự thay đổi. Thấy vui vì gặp 1 người có cùng suy nghĩ. Vui hơn nữa là từ suy nghĩ mình đã biến thành hành động: bỏ một công việc ổn định để làm PhD, tìm một con đường để (nói một cách to tát) tạo ra công nghệ :)) Tuy chưa làm được gì, gặp nhiều thử thách nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng ít ra mình đã ‘take action’ 😀

Vô tình lúc ngồi tàu về nhà lại đọc blog của bạn mình về sự đổi thay, không phải trong công nghệ mà là trong vai trò của cha mẹ với con cái.
http://nguyenhuubaotrung.info/su-danh-mat-quyen-uy-cua-cha-me/

Rất tâm đắc với cách phân tích của bài viết. Xã hội thời xưa mang tính kế thừa cao, kinh nghiệm sống của bố mẹ có thể được kế thừa và áp dụng ở đời con cháu nên con cái hoàn toàn phải nghe theo bố mẹ. Tuy nhiên, xã hội ngày nay thay đổi rất nhiều nên tính kế thừa đã mất đi, rất nhiều kinh nghiệm của bố mẹ không còn đúng với thời con cháu nữa. Vì thế, không phải chỉ việc làm công nghệ mà việc làm cha mẹ cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời đại. Bố mẹ không còn là người áp đặt con cái nữa mà nên là người lắng nghe, bình đẳng đưa ra lời khuyên, định hướng cho con cái.

Không áp đặt, bình đẳng với con cái cũng đồng nghĩa với việc để cho con cái tự quyết định cuộc đời mình. Blog của bạn mình cũng có 1 bài về vấn đề này (http://nguyenhuubaotrung.info/giao-cho-con-co-on-khong/). Bao giờ nên để con cái quyết định có lẽ là câu hỏi mà nhiều người sẽ hỏi. Theo mình là tuỳ thuộc vào từng đứa trẻ. Bản thân mình sẽ tập thói quen hỏi ý kiến con cái trước khi quyết định 1 việc gì liên quan đến con, sau đó tuỳ thuộc vào câu trả lời của con mà định hướng, giải thích, khuyên nhủ hoặc thuận theo ý con. Đôi khi, cứ để con cái quyết định sai lầm rồi tự học được bài học cho bản thân lại là kinh nghiệm quý báu cho con sau này. Vì có ai không một lần sai, quan trọng là sau đó học được gì và sửa như nào, vai trò của bố mẹ là động viên và giải thích cho con trong mỗi lần sai đó.

Một ngày suy ngẫm nhiều về sự đổi thay của thời đại và xã hội.